Nâng cao "sức khỏe"cho doanh nghiệp

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Năm 2017, trong bối cảnh vừa xây dựng, phê duyệt, vừa triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn cho từng năm và cả giai đoạn 2017 - 2020, các văn bản pháp luật và thực tế triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN), sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, DN, công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn và phát triển DN đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ.
Trong năm qua, cả nước phê duyệt phương án CPH của 69 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tăng 25% so với thực hiện năm 2016. Số DN thành lập mới năm 2017 đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay, số DN giải thể phá sản giảm so với năm 2016. Thoái vốn tại các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ theo hướng ngày càng công khai, minh bạch hơn, thu từ thoái vốn đạt 139.385 tỷ đồng, cao gấp 15,52 lần giá trị sổ sách. Lần đầu tiên công bố bài bản, đầy đủ các chỉ tiêu phát triển và tình hình “sức khỏe” của các loại hình DN trong cả nước. Các DN sau CPH hoạt động hiệu quả, đổi mới cơ bản về quản trị, thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế, thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2018 là năm đặc biệt quan trọng trong kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020, với số lượng DN sắp xếp, CPH, thoái vốn lớn, nhiều DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, việc xử lý tài chính, xác định giá trị DN phức tạp, mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, để hoàn thành và vượt kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 đề ra, các đơn vị tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN, hoàn thành CPH, thoái vốn nhà nước theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, cơ cấu lại toàn diện DNNN nhằm lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với từng DN; rà soát, kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan. Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý để tăng nhanh số lượng DN thành lập mới, DN khởi nghiệp, hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 nước ta có một triệu DN hoạt động; đôn đốc các DN đã CPH đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán; Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng; xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả nhiệm vụ được giao./.

                                       Theo http://www.nhandan.com.vn

User Online:14189

Total visited: 6334926