60 NĂM NHÌN LẠI VÀ BÀI HỌC THỜI CUỘC
Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương
Từ tháng 9-1945 lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Việt Nam đã trải qua bốn cuộc đàm phán và ký kết các hiệp định quốc tế liên quan đến độc lập chủ quyền quốc gia: Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và tạm ước ngày 14-9-1946 ký với Pháp; Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương ký tại một hội nghị quốc tế và Hiệp định Pa-ri về Việt Nam ngày 27-1-1973 ký với Hoa Kỳ. Trong các văn bản đó, cho đến nay Hội nghị Giơ-ne-vơ là văn kiện còn có nhiều ý kiến khác nhau về nhận định, đánh giá do hoàn cảnh lịch sử, tư liệu không nhiều, ghi chép hạn chế, lưu trữ khó khăn, văn bản gốc còn lại rất ít.
Từ mùa hè năm 1953, tình hình Đông Dương đi vào bước ngoặt. Trên chiến trường, Pháp sa lầy và thất bại, muốn tìm con đường rút ra khỏi cuộc chiến. Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, cho đến Tổng Tư lệnh quân viễn chinh, tướng H.Na-va (H.Navarre) đều công khai tỏ ý muốn kết thúc chiến tranh. Về phía Việt Nam, đại diện cho lợi ích dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ thiện chí hòa bình, ngày 26-11-1953 tuyên bố: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó” (1). Thời cơ thương lượng đã rất gần nhưng đến ngày 27-12-1953, do tác động của Trung Nam Hải, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tư: Căn cứ vào so sánh lực lượng giữa ta và địch lúc này, điều kiện thương lượng hòa bình chưa chín muồi. Thế chiến trường đang thuận lợi, ta tỏ thiện chí Pháp hưởng ứng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là kết hợp vừa đánh vừa đàm mà đột nhiên có thông tư ngày 27-12-1953 phá mất thế chủ động của ta, để bị buộc phải ngồi vào một hội nghị đa phương do các nước lớn áp đặt.
Từ khi Stalin mất, ban lãnh đạo mới ở Liên Xô do Khơ-rút-sốp (Khrushov) đứng đầu đã có sự phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc để kết thúc chiến tranh Triều Tiên, tiến tới kết thúc chiến tranh Đông Dương. Do sự năng nổ của Liên Xô, hội nghị bốn nước lớn họp ở Béc-lin (Berlin) tháng 1 và tháng 2-1954 đã quyết định triệu tập hội nghị Giơ-ne-vơ để tìm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hội nghị Giơ-ne-vơ do bốn nước lớn chỉ đạo, có Trung Quốc tham gia. Nếu đàm phán song phương, Việt Nam có thể nêu cao độc lập tự chủ. Nhưng trong hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ, Việt Nam ở vị thế khó khăn.
Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương bắt đầu từ ngày 8-5-1954 lúc tin chiến thắng Điện Biên Phủ của ta được loan báo khắp thế giới và tạo một không khí sôi động ngay tại Giơ-ne-vơ. Nhưng đoàn ta do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu lại ở vào vị thế rất bất lợi. Hội nghị có chín thành viên, phía Pháp có sáu, gồm Pháp, Mỹ, Anh và ba chính quyền liên kết với Pháp là Lào, Cam-pu-chia và Nam Việt Nam (chính quyền Bảo Đại). Ta có Liên Xô, Trung Quốc là đồng minh, nhưng lúc này ta chưa hiểu nhiều về chiến lược của hai nước, nhất là chưa hiểu được mưu tính của Trung Quốc. Liên Xô quan tâm chủ yếu tới việc bảo đảm hội nghị thành công, còn mọi việc ủy thác cho Trung Quốc. Trên thực tế, Việt Nam một mình phải chọi bảy.
Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương (1954)
Pháp dựa vào Anh và Mỹ, để tạo thế mạnh, dùng ba chính quyền liên kết để cản trở, chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Pháp biết rằng đàm phán trực tiếp với Việt Nam sẽ khó khăn nên Pháp tránh. Suốt hai tháng, Pháp không gặp đoàn Việt Nam. Pháp coi Trung Quốc là bên đàm phán chính và tranh thủ bàn mọi việc với Trung Quốc. Pháp thường qua Trung Quốc để đe dọa Việt Nam: Mỹ sẽ phá, Pháp sẽ tăng quân...
Trung Quốc đến Giơ-ne-vơ với mục tiêu chính là an ninh của Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Cụ thể là: tranh thủ có hòa bình, đẩy Mỹ xa Đông Dương, làm suy yếu và chia cắt Việt Nam, xóa ảnh hưởng của Việt Nam ở Lào, Cam-pu-chia, phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc ở hai nước đó và ở Nam Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước phương Tây, nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc. Trong chín bên tham gia hội nghị, chỉ có Việt Nam là bên tham chiến kiên trì lợi ích dân tộc cho nên Trung Quốc liên tục lôi kéo, o ép, hù dọa, thậm chí dùng “đòn ngầm” với Việt Nam để đạt mục tiêu của Trung Quốc. Nắm được chỗ yếu của Pháp, Trung Quốc trở thành bên đối thoại chính với Pháp. Trung Quốc không ủng hộ Việt Nam trên bất cứ vấn đề nào. Đến phút chót, Liên Xô, Trung Quốc ép Việt Nam chấp nhận giới tuyến sông Bến Hải.
Vấn đề lớn thứ hai là thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Ta muốn có tổng tuyển cử sớm (sau sáu tháng), nhưng Chu Ân Lai đề nghị tổng tuyển cử vào năm 1956 và thời gian cụ thể do nhà đương cục hai vùng quyết định. Như vậy là trên thực tế đã giao quyền quyết định thời gian tuyển cử cho chính quyền Bảo Đại và Pháp là bên đàm phán chính đang quản lý miền nam không còn trách nhiệm gì.
Với cả ba vấn đề chủ yếu và nổi cộm nhất của giải pháp lập lại hòa bình cho Đông Dương là vấn đề giới tuyến phân vùng, vấn đề tổng tuyển cử và vấn đề Lào - Cam-pu-chia, đoàn Việt Nam đều rất khó khăn và hầu như không bảo vệ được các yêu cầu cơ bản.
Với hiệp định Giơ-ne-vơ, Pháp và các nước công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, rút hết lực lượng quân sự Pháp. Việt Nam có miền bắc từ sông Bến Hải (Quảng Trị) trở ra để xây dựng và làm cơ sở đấu tranh giải phóng miền nam. Bản Hiệp định Giơ-ne-vơ là cơ sở pháp lý vững vàng để ta tiếp tục đấu tranh chống Mỹ sau này. Đó là thắng lợi của nhân dân ta qua chín năm chiến đấu hy sinh. Tuy nhiên, với những hy sinh to lớn qua hơn 20 năm đấu tranh chống đế quốc Mỹ sau đó, nay ta phải thấy cả thắng lợi và cả những mặt thiệt thòi của Hiệp định Giơ-ne-vơ là ta không giành được giới tuyến tập kết ở vĩ tuyến 16, không có tổng tuyển cử mà phải tiếp tục chiến đấu vũ trang; lực lượng cách mạng ở Cam-puchia không có vùng tập kết, ở Lào chỉ được hai tỉnh Phong-sa-lỳ và Sầm Nưa, nhỏ hơn nhiều so với vùng giải phóng.
Kỷ niệm 60 năm hiệp định Giơ-ne-vơ, cần nhìn lại tình thế, diễn biến và đánh giá đúng những thắng lợi và cả những khó khăn, thiệt thòi, nhưng quan trọng hơn là rút ra bài học cho thời cuộc hôm nay.
Bài học trước hết là trong đấu tranh và ngoại giao, quan hệ quốc tế, phải nắm vững nguyên tắc độc lập tự chủ. Bài học thứ hai là bài học về kết hợp giữa chiến đấu và đàm phán, giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao để bảo vệ và xây dựng đất nước. Hai bài học đó đã được ta vận dụng tốt trong Hội nghị Pa-ri sau này và đã giành được thắng lợi lớn. Một bài học quan trọng từ Giơ-ne-vơ, vận dụng vào thời cuộc hiện nay và cả về sau là ta phải luôn hiểu chiến lược, tính toán của các nước lớn. Đặc biệt, cần làm rõ âm mưu lâu dài của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Nay Trung Quốc đang dùng giàn khoan để bành trướng, điều này cho thấy rõ rằng công cuộc xâm lấn Biển Đông đã được Trung Quốc trù liệu từ lâu, nay bước sang giai đoạn triển khai mới mạnh mẽ, hung hăng, quyết liệt hơn, bất chấp đạo lý, pháp lý và dư luận. Vì vậy khái quát bài học này là phải hiểu kỹ Trung Quốc qua các tính toán và hành động cụ thể.
Với hiệp định Giơ-ne-vơ, Pháp và các nước công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, rút hết lực lượng quân sự Pháp./.
Theo Báo Nhân dân điện tử
- Hơn 700 đại biểu được bồi dưỡng chuyên đề “Đảng ta thật là vĩ đại” 07/10/2024
- Hướng dẫn công tác tuyên truyền quý IV năm 2024 07/10/2024
- Công văn triệu tập quần chúng ưu tú học lớp Bồi dưỡng LLCT dành cho đảng viên mới tháng 10/2024 04/10/2024
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 -... 04/10/2024
User Online:13032
Total visited: 6335908