Vài suy nghĩ về kinh tế tư nhân
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991, Đảng ta đã xác định: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân”. Mới đây, Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII, tháng 6-2017) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, một lần nữa khẳng định: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Nghị quyết đã có sự thay đổi lớn về tư duy lý luận và đường lối, điểm mới là kinh tế tư nhân được nâng lên, đóng vai trò nòng cốt của nền kinh tế, bên cạnh kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, sự thay đổi đó là cần thiết, đúng đắn và phù hợp giai đoạn hiện nay, tuy có hơi muộn. Thật ra, những năm gần đây, vai trò kinh tế tư nhân trong nền kinh tế được đánh giá ngày càng rõ. Đảng đã có Nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân, đã có chủ trương xây dựng tập đoàn kinh tế tư nhân, đã nói đến kinh tế tư nhân là một động lực của nền kinh tế. Đến Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII), vai trò của kinh tế tư nhân được đánh giá đầy đủ và chính xác hơn. Việc kéo dài thời gian để nhận thức đúng chân giá trị của sự vật có nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Ở nước ta, không chỉ vấn đề kinh tế tư nhân, mà còn một số vấn đề khác, trước đây chúng ta thường lấy ý chí chủ quan thay cho thực tế khách quan để đưa ra lời giải. Đối với kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay, lời giải phải xuất phát từ thực tế khách quan là nước ta đang ở trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Là thời kỳ quá độ, như các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin luận giải: Vừa có CNXH vừa chưa có CNXH, cùng tồn tại CNXH và chủ nghĩa tư bản, thậm chí cả tiền tư bản chủ nghĩa. Không có phép màu nào giúp ta nhảy vọt lên trước, bỏ qua tiến trình phát triển tự nhiên mà nhân loại phải trải qua. Huống hồ nước ta không chỉ lạc hậu về kinh tế, mà còn phải trải qua mấy cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, không tập trung được nguồn lực để phát triển kinh tế. Thời chiến tranh nay đã lùi xa, ngày nay “nhiệm vụ chính trị lớn nhất của chúng ta là xây dựng nước nhà về kinh tế”, thực hiện CNH, HĐH. Có thời gian, một số người quá nóng vội vì tình trạng lạc hậu của nền kinh tế, cho nên đã đưa ra giải pháp quan hệ sản xuất đi trước “mở đường” thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Giải pháp đó dựa trên lý luận triết học về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, về sự tác động ngược của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất. Nếu vận dụng đúng thì rất tốt. Nhưng trên thực tế, một lần nữa, tư duy chủ quan, duy ý chí lại bộc lộ. Người ta đồng loạt đưa quan hệ sản xuất từ hình thức thấp lên cao cả về quy mô và tính chất, bỏ xa trình độ của lực lượng sản xuất, rõ nhất trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả là phá vỡ quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay mà Hội nghị T.Ư 5 đề cập là kinh tế tư nhân. Thực tế ở nước ta hiện nay, kinh tế tư nhân đang chiếm tỷ trọng lớn về một số chỉ tiêu của nền kinh tế. Tỷ trọng của kinh tế tư nhân chiếm khoảng 40% GDP nền kinh tế, kinh tế nhà nước khoảng 30%, kinh tế tập thể 5%,... Tương quan giữa các thành phần kinh tế về tỷ trọng GDP nhiều năm qua ít thay đổi, khả năng trong tương lai kinh tế tư nhân sẽ phát triển cao hơn hiện nay. Theo thống kê hằng năm, khu vực tư nhân tạo ra khoảng 85% việc làm trong nền kinh tế. Trong khu vực nhà nước, việc làm hầu như không tăng, còn khu vực tập thể tăng không đáng kể. Với chủ trương xã hội hóa đầu tư và chủ trương doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn khỏi những nơi không phải là ngành chính, dư địa cho đầu tư của kinh tế tư nhân mở ra rộng lớn. Từ bắc vào nam, các tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân đã và đang đầu tư vào các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng giao thông, các phương tiện vận tải; xây dựng; sản xuất cơ khí; khu vui chơi giải trí,... từng bước vươn ra nước ngoài, một số doanh nghiệp đã có thương hiệu. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm nay, đã có hơn 60 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh mới ra đời, chủ yếu là tư nhân, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, góp phần tăng trưởng GDP, tạo thêm việc làm.
Chúng ta đã thực hiện quan hệ công - tư từ lâu, trước thời kỳ đổi mới đã tiến hành công - tư hợp doanh. Nhưng thật ra lúc đó là quan hệ áp đặt, không bình đẳng, nặng công, nhẹ tư. Vì vậy nó mang tính hình thức, ít có hiệu quả thực tế. Muốn phát triển tiềm năng của kinh tế tư nhân trong quan hệ công - tư, cần đề cao tính minh bạch, bình đẳng, thỏa thuận lợi ích đôi bên. Với Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII) về kinh tế tư nhân, dư luận xã hội nói chung phấn khởi đón nhận, tin tưởng thành công. Trong Nghị quyết này, từ quan điểm đến nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra toàn diện, bài bản và đúng tầm, với tinh thần nói đi đôi với làm. Hiện nay trong xã hội, vấn đề kỳ thị kinh tế tư nhân tuy chưa hết hẳn, song đã giảm bớt rất nhiều. Bên cạnh một số lo ngại, dư luận đánh giá mặt tích cực của kinh tế tư nhân nhiều hơn. Nhân dân vui mừng vì có những tập đoàn kinh tế tư nhân thành đạt ở trong nước và khu vực, được ghi danh trên bảng xếp hạng qua từng năm.
Về lâu dài, khi kinh tế tư nhân phát triển thành một lực lượng mạnh, trong hàng ngũ của họ xuất hiện tầng lớp tư bản tư nhân có tầm vóc. Đảng và Nhà nước ta hướng họ đi theo con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước - nấc thang trung gian giữa chủ nghĩa tư bản và CNXH; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể với kinh tế tư nhân. Điều đó bảo đảm cho kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng và cùng với hai thành phần kinh tế trên từ vai trò nòng cốt của nền kinh tế độc lập tự chủ, quyết không vì khó khăn trong quản lý mà dùng biện pháp hành chính cản trở kinh tế tư nhân phát triển.
Trước đây chúng ta đã cổ vũ kinh tế nhiều thành phần, đã cổ vũ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN, nhưng sau đó lại bùng lên câu chuyện sản xuất hàng hóa nhỏ hằng ngày, hằng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, kinh tế tư nhân không được khuyến khích phát triển. Một cao trào kinh tế tập thể được phát động trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại,... Ngày nay, Đảng và Nhà nước, với Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII), tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, trong đó có cả tập đoàn kinh tế tư nhân, phát triển đến mức trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, không chỉ hiện nay mà cả thời gian lâu dài. Điều đó bắt nguồn từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Tất nhiên, chỗ nào và khi nào, sự phát triển đó trái với lợi ích đại cục thì phải “thổi còi” chấn chỉnh.
Phát triển kinh tế tư nhân và tập đoàn kinh tế tư nhân phải chăng là đặc thù của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện một nước kinh tế lạc hậu, chưa trải qua chủ nghĩa tư bản?
Trong điều kiện đó, sự phát triển của kinh tế tư nhân không phải là quá trình tự phát. Buông lỏng lãnh đạo quá trình này thì hệ lụy là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Dưới CNXH, nó phải là quá trình tự giác dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN. Kinh tế tư nhân được sản xuất, kinh doanh ở những ngành nghề, lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm. Mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, xã hội và nhà nước cũng khác với chủ nghĩa tư bản. Dù kinh tế tư nhân có phát triển tới đâu, vai trò chủ đạo trong nền kinh tế vẫn thuộc về kinh tế nhà nước (dĩ nhiên đây là một quá trình tiến dần từ thấp đến cao).
Một mặt, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân hoạt động, tôn vinh xứng đáng những đóng góp của thành phần kinh tế này cho xã hội và đất nước. Mặt khác, tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt để hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường, lợi ích nhóm về kinh tế và chính trị, ngăn chặn tự diễn biến, tự chuyển hóa. Là một thành phần nòng cốt của kinh tế quốc dân, kinh tế tư nhân phải không ngừng được củng cố về mọi mặt, trong đó, đáng chú ý hiện nay là quy mô nhỏ và phân tán, phần lớn là hộ gia đình; trình độ công nghệ thấp, vốn ít; sức cạnh tranh yếu; ý thức tôn trọng pháp luật trong sản xuất, kinh doanh còn nhiều vi phạm,... Đồng thời, quan tâm công tác xây dựng Đảng để người lao động và chủ doanh nghiệp tiêu biểu phải được giới thiệu đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Là quá trình tự giác đối với sự phát sinh, phát triển của kinh tế tư nhân và tư bản tư nhân, Đảng và Nhà nước ta phải làm chủ quá trình này. Mục tiêu hướng tới là xây dựng thành phần kinh tế tư nhân thành một bộ phận quan trọng của kinh tế dân tộc và tư bản tư nhân là tư bản dân tộc. Đó là nhà tư bản coi trọng lợi ích quốc gia và dân tộc, vì sự phồn vinh của đất nước, bên cạnh lợi ích của bản thân và gia đình, mà từ thế kỷ XIX, đã nổi danh với những tên tuổi như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, ông bà Trịnh Văn Bô,…
Phát triển thành phần kinh tế tư nhân đáp ứng vị thế mới trong nền kinh tế là nhiệm vụ chính trị phức tạp và khó khăn. Toàn bộ hệ thống chính trị cần có kế hoạch sớm thực hiện nhiệm vụ đó ngay từ bây giờ./.
Theo Báo Nhân dân điện tử
- Hội Cựu chiến binh Khối Doanh nghiệp tỉnh tổng kết công tác cựu chiến binh năm 2024, triển khai... 05/12/2024
- Kết quả thực hiện Nghị quyết số 109-NQ/TU ngày 08/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ở Đảng bộ Khối... 28/11/2024
- Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới 26/11/2024
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 26/11/2024
User Online:27567
Total visited: 6992027