Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt Đảng

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 22-3-2016 của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đã xác định: Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng và sự đồng thuận cao trong Nhân dân…

Đồng thời, đợt sinh hoạt chính trị này góp phần quan trọng tăng cường xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; thuyết phục, chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: “Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Đây cũng chính là những yếu tố bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của Đảng.

     Một buổi sinh hoạt của Chi bộ Đại đội 2, Đảng bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4,                 Sư đoàn 5, Quân khu 7.

Nguyên tắc tập trung dân chủ được V.I.Lê-nin đề xuất từ năm 1901, đến nay tròn 115 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Khi vận dụng vào Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức của Đảng. Theo Người, dân chủ và tập trung là hai mặt có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau. Dân chủ trong Đảng là tất cả đảng viên đều được tự do bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề trong tổ chức và sinh hoạt Đảng để thống nhất về quan điểm, chủ trương và nhân sự lãnh đạo. Vì vậy, dân chủ phải đi đến tập trung, tránh dân chủ phân tán, tùy tiện, vô tổ chức. Về tập trung, sau khi dân chủ (mọi đảng viên được tự do bày tỏ chính kiến) phải đi đến tập trung, tức là biểu quyết để thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động. Sau khi biểu quyết thì thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, mọi đảng viên phải phục tùng nghị quyết của Đảng.

Vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng (được thể hiện tại Điều 9, Chương II, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện hành). Nguyên tắc tập trung dân chủ có vai trò là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động tổ chức, sinh hoạt và xây dựng Đảng; xác lập nguyên tắc giải quyết mọi vấn đề trong nội bộ Đảng.

Thực tế qua 86 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn đồng hành và bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Giá trị đích thực của nguyên tắc tập trung dân chủ là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Đây là một giá trị quy tụ đầy đủ hai mệnh đề tập trung và dân chủ. Tập trung là sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội đã được khẳng định trong Hiến pháp. Dân chủ là dân chủ trong Đảng, với tư cách là đội tiên phong của toàn dân tộc.

Tập trung dân chủ trong Đảng là nguyên tắc có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Đảng. Thực tiễn đã chứng minh, ở đâu nguyên tắc tập trung dân chủ được cấp ủy, người chỉ huy và cán bộ, đảng viên hiểu một cách đầy đủ, thì ở đó dân chủ được phát triển, tập trung càng vững chắc, sức mạnh của Đảng càng được khẳng định. Ngược lại, nếu nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng không được tôn trọng thì sẽ rất nguy hại. Những người đã tự nguyện viết đơn đứng vào hàng ngũ của Đảng thì phải chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ. Tổ chức Đảng tổ chức cho đảng viên thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình, nghĩa là mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm lại mình, thấy rõ ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa; đồng thời góp ý cho đồng chí, đồng đội trên tinh thần xây dựng. Do vậy, Đảng không chấp nhận cách nói thiên lệch, một chiều, nói ngoài tổ chức, không đúng với bản chất tập trung để dân chủ và dân chủ để đi đến tập trung.

Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp biện chứng giữa hai thành tố: Dân chủ và tập trung. Việc phát huy dân chủ phải đi đôi với việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung. Nếu tuyệt đối hóa dân chủ sẽ dẫn đến tình trạng vô tổ chức, xem thường kỷ cương, phép nước. Nếu tuyệt đối hóa tập trung sẽ dẫn đến quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Tuy nhiên, do điểm xuất phát, điều kiện hoàn cảnh, phẩm chất và năng lực từng đảng viên khác nhau, nên để đạt được sự đồng thuận cao về chủ trương, quan điểm là việc làm không đơn giản; đòi hỏi các tổ chức đảng phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quản lý, rèn luyện đảng viên về mọi mặt.

Quân ủy Trung ương đã ban hành “Quy định một số vấn đề cơ bản về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam”. Các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng… cũng ban hành “Quy định một số vấn đề cơ bản về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Đó là những quy định hết sức cần thiết để cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng vào mọi hoạt động của quân đội; xác lập sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; nghĩa là ở đâu có hoạt động của bộ đội thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo đó thể hiện trên mọi nhiệm vụ, mọi lĩnh vực; lãnh đạo mọi tổ chức, mọi lực lượng, mọi đơn vị; lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, tư tưởng, tổ chức; trên cả các mặt công tác: Quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; trong tất cả các nhiệm vụ: Chiến đấu, huấn luyện, xây dựng, lao động sản xuất. Nguyên tắc này ràng buộc và ngăn chặn sự gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền của một bộ phận người chỉ huy, khi không hiểu, hoặc cố tình không tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng có giá trị vĩnh hằng, quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những giá trị đích thực trong nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ta có vai trò quan trọng, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng, Nhà nước và thực hiện “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch, phản động; đồng thời có ý nghĩa sâu sắc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nguyên tắc tập trung dân chủ tồn tại, phát triển thực sự trở thành lực lượng vật chất, vũ khí sắc bén trên mọi phương diện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng./.

                               Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân

User Online:11682

Total visited: 6722915