Một số giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

  

Ảnh minh họa

Mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ khi bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đến nay là một cơ chế hỗn hợp giữa thị trường và Nhà nước trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Trong ba thập niên qua, chúng ta đã đổi mới cách thức vận hành nền kinh tế từ mô hình cũ nặng về tập trung quan liêu bao cấp sang mô hình mới và đạt được nhiều thành tựu, song cũng còn không ít những hạn chế, khiếm khuyết, đòi hỏi có các định hướng đúng đắn hơn trong thời gian tới.
Nhìn lại thời gian qua
So với trước đây, mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta từ đổi mới (năm 1986) đến nay đã được đổi mới về cơ bản với cách thức vận hành, những động lực, cấu trúc mới. Với mô hình này, chúng ta đã và đang mở cửa hội nhập hơn, từng bước hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa.
Mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ đổi mới đến nay được vận hành khá tốt theo cơ chế thị trường có kiểm soát đã thúc đẩy tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng liên tục và duy trì dài hạn, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình trong nhóm các nước đang phát triển. Động lực của tăng trưởng được tạo bởi các động lực bộ phận cho phép khai thác tốt tiềm năng của các thành phần kinh tế, từng bước chuyển dần theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cấu trúc kinh tế dịch chuyển tích cực, hiện đại và phù hợp với xu thế chung, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế liên tục trong những năm qua. Kinh tế vĩ mô liên tục được duy trì ổn định hơn trên cơ sở tăng trưởng GDP và việc làm, lạm phát nhìn chung được kiểm soát. Các chính sách vĩ mô, như tiền tệ, tài khóa và thương mại... đã trở thành yếu tố công cụ trong cơ chế vận hành mô hình tăng trưởng kinh tế và được sử dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế, bình ổn kinh tế vĩ mô.
Không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời gian qua còn tạo được cơ chế phân bổ và phân phối sản lượng tương đối phù hợp với trình độ phát triển, góp phần cải thiện và tạo bước tiến đáng kể về phát triển xã hội trên nhiều khía cạnh, như thu nhập và mức sống cho các tầng lớp nhân dân đã tăng lên và được cải thiện đáng kể; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt những kết quả khá bền vững; chỉ số phát triển con người Việt Nam được nâng cao; các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe được cải thiện; sự nghiệp giáo dục được đầu tư đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc làm được tạo ra gần tương đương với tốc độ gia tăng của nguồn lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống khá thấp.
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam những năm qua đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong cơ chế vận hành. Nghiêm trọng nhất là tình trạng trục trặc, thiếu linh hoạt và kém hiệu quả trong sự kết hợp giữa tổng cung và tổng cầu, khiến sản lượng luôn thấp hơn tiềm năng, không phát huy được hết các động lực. Bên cạnh đó, nó còn chứa đựng không ít bất ổn và nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết.
Tăng trưởng sản lượng thấp hơn tiềm năng, tính ổn định chưa cao trước những biến động kinh tế cả trong và ngoài nước. Tăng trưởng kinh tế ở nước ta dựa quá nhiều vào đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, quá coi trọng vai trò của khu vực kinh tế nhà nước vốn kém hiệu quả, trong khi lại chưa quan tâm đúng mức đến các động lực khác của nền kinh tế, như khoa học - công nghệ, nhu cầu của thị trường trong nước... Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào cấu trúc kinh tế thiên lệch về nguồn lực cho công nghiệp, dịch vụ, chưa chú trọng và đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn. Điều đó đã tạo ra sự mất cân bằng và tiềm tàng bất ổn về kinh tế - xã hội.
Những nhân tố gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô luôn tiềm ẩn do đầu tư quá cao so với khả năng tiết kiệm của nền kinh tế, thâm hụt ngân sách liên tục kéo dài càng khiến vay nợ đầu tư và thâm hụt tăng. Các chính sách vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vấn đề bình ổn kinh tế vĩ mô vẫn luôn là thách thức.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề xã hội vẫn tồn tại dai dẳng, chưa được giải quyết. Tình trạng bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền, khu vực chưa được rút ngắn, tốc độ giảm nghèo còn chậm. Hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục chưa đáp ứng kịp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Vấn đề việc làm vẫn còn là thách thức lớn...
Quan điểm và định hướng thời gian tới
Về quan điểm, từ những thành tựu và hạn chế đó, có thể thấy mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay cần quán triệt quan điểm xuyên suốt, đó là bảo đảm tăng trưởng GDP tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế. Để có thể bảo đảm thực hiện được quan điểm này, theo chúng tôi, trước hết cần duy trì tăng trưởng GDP ổn định dài hạn tương xứng với năng lực sản xuất; đồng thời, hoàn thiện thể chế kinh tế bảo đảm cho vận hành mô hình tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn. Ngoài ra, cần bảo đảm không ngừng mở rộng năng lực sản xuất theo hướng hiện đại phù hợp với điều kiện của đất nước và bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước để phân bổ và sử dụng theo hướng cấu trúc lại nền kinh tế và tạo ra những động lực mới của nền kinh tế, nhất là phát huy nhân tố con người; kích thích tiêu dùng nội địa, cải thiện cán cân thương mại và mở rộng thị trường quốc tế; duy trì bội chi ngân sách trong ngưỡng cho phép và giảm nợ công; phát triển hệ thống chính sách an sinh xã hội tương xứng với đà tăng trưởng kinh tế.
Về định hướng, mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời gian tới được xác định vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước hiện đại, tạo ra sự tương tác linh hoạt và hiệu quả giữa cách thức huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực trong nước và bên ngoài, tạo ra năng lực sản xuất ngày càng lớn và có chiều sâu, hiệu quả. Cơ chế phân phối hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thúc đẩy tăng tổng cầu trên thị trường trong và ngoài nước để đạt tăng trưởng GDP tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế. Để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam những năm tới, thiết nghĩ cần có một lộ trình thích hợp. Giai đoạn đầu cần hình thành sự tương tác linh hoạt và hiệu quả giữa cách thức tạo ra năng lực sản xuất với sự kết hợp của các nhân tố chiều rộng và chiều sâu một cách hiệu quả, đồng thời phải tạo được cách thức phân phối tương xứng với nó.
Một số giải pháp
Một là, đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế.
Tạo dựng môi trường, đổi mới thể chế phù hợp với nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thông qua: Đưa vào vận hành các quy tắc, chuẩn mực về hành vi kinh tế diễn ra trên thị trường; bảo đảm cho các quy tắc, chuẩn mực thị trường trên cơ sở hoàn thiện các cơ chế bổ sung giữa thị trường và Nhà nước; tạo ra cơ chế dân chủ hơn trong quản lý kinh tế theo hướng chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả; tạo ra “sân chơi” kinh tế mang tính cạnh tranh, bình đẳng nhờ hệ thống các thị trường hoàn chỉnh và hoạt động hiệu quả; bảo đảm các chủ thể thị trường thể hiện được vai trò và bình đẳng với nhau trong hoạt động.
Hoàn thiện quy trình hoạch định chính sách kinh tế. Để có được các chính sách hiệu quả, cần có quy trình xây dựng và thực hiện chính sách hiệu quả và khoa học. Cách tiếp cận chính sách mới cần dựa trên số liệu thực tế, phân tích và đánh giá khoa học để xây dựng các chính sách phù hợp với thực tiễn và cần có quy trình rõ ràng để theo dõi, đánh giá chất lượng và sự phù hợp của chính sách. Trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch, cần củng cố, nâng cao năng lực và phối hợp tốt hơn. Trong quá trình xây dựng chính sách đối thoại giữa Chính phủ và các khu vực ngoài chính phủ, cần thực hiện một cách có hệ thống.
Tiếp tục đổi mới công tác kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Những thay đổi lớn của nền kinh tế và bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới công tác này. Những nội dung chủ yếu là: Cần phải có luật về công tác kế hoạch, khung pháp lý quan trọng cho hoạt động của các cơ quan kế hoạch; nâng cao chất lượng và bảo đảm vị trí trung tâm trong công tác kế hoạch của kế hoạch trung hạn 5 năm; kế hoạch mang tính định hướng nhiều hơn thông qua việc thu hẹp hệ thống chỉ tiêu kế hoạch và ít định lượng hơn; quá trình lập kế hoạch phải đổi mới theo hướng dân chủ và công khai, phát huy vai trò của các địa phương và thu hút nhiều hơn sự tham gia của người dân và các bên có liên quan; việc điều hành kế hoạch cần phải chuyển từ sự can thiệp trực tiếp của Trung ương và các bộ, ngành sang duy trì các cân đối vĩ mô, sử dụng các công cụ gián tiếp; phương pháp kế hoạch hóa theo chương trình mục tiêu nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc nhất về kinh tế - xã hội đang dần được hoàn thiện.
Phân cấp và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương. Cần thiết phải rà soát, xem xét lại cơ chế phân cấp và chế độ trách nhiệm giải trình hiện nay, đồng thời củng cố chức năng giám sát và kiểm soát của Trung ương đối với cấp địa phương trong ban hành và thực thi chính sách, thẩm quyền được giao. Các vùng hay địa phương cần được khuyến khích nâng cao tính tự chủ và năng lực cạnh tranh của mình dựa trên những lợi thế và vị trí đặc thù của vùng, địa phương.
Hai là, tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu hiệu quả, sức cạnh tranh cao.
Tạo ra động lực mới cho nền kinh tế nhờ: 1- Phát triển các ngành công nghiệp có nhiều lợi thế chuyển dần giai đoạn đầu và giữa sang giai đoạn sau, tập trung vào các ngành cung cấp hàng tiêu dùng lâu bền và hàng tư liệu sản xuất, từ đó, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; 2- Cấu trúc lại và đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn; 3- Phát triển khu vực ngoài nhà nước.
Nâng cao hiệu quả trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực: 1- Đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ trong nền kinh tế. 2- Nâng cao hiệu quả trong huy động, phân bổ và sử dụng vốn: Trên góc độ nền kinh tế thì việc huy động vốn chỉ nên đạt tỷ lệ tương xứng với “trạng thái vàng” của nền kinh tế - tỷ lệ tích lũy cho mức tiêu dùng tối đa. Phân bổ vốn đầu tư trong nền kinh tế nên tập trung vào ngành công nghiệp được định hướng phát triển, đầu tư thích đáng cho nông nghiệp có khả năng công nghệ cao. Đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước. 3- Phát huy vai trò của nhân tố lao động trong tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Huy động tối đa nguồn lực lao động đang trong thời kỳ “dân số vàng” trên cơ sở nâng cao trình độ lao động. Phân bố lại lao động theo hướng kết hợp dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang năng suất cao với dịch chuyển từ ngành có tốc độ tăng năng suất thấp sang ngành có tốc độ tăng năng suất cao. Đổi mới cơ chế chính sách sử dụng lao động, như cần hoàn thiện khung pháp lý cho vận hành của thị trường lao động hoạt động hiệu quả; về tổ chức quản lý và sử dụng lao động, cần xây dựng được cơ chế quản lý và sử dụng sao cho người lao động có động lực yên tâm công tác, phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân. 4- Nâng cao hiệu quả trong huy động, phân bổ, khai thác và sử dụng tài nguyên. Hoàn thiện thể chế, pháp luật về bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường. Sử dụng có hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường. Chống thoái hóa và bảo đảm bền vững sử dụng tài nguyên đất. Bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước. Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản. Bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển.
Ba là, vận hành thúc đẩy tổng cầu.
Kích thích, tạo điều kiện tăng tiêu dùng cá nhân, nâng cao mức sống và đẩy mạnh giảm nghèo: 1- Tăng tiêu dùng cá nhân tiệm cận với mức của nước trung bình và thay đổi cơ cấu tiêu dùng, như tăng thu nhập cá nhân thông qua cải cách và áp dụng chính sách phân phối hợp lý trong nền kinh tế thị trường; bình ổn giá cả, nhất là giá những hàng hóa thiết yếu đi cùng với kiểm soát thị trường; phát triển kết cấu hạ tầng phân phối hàng hóa rộng khắp, nhất là nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hoàn thiện và mở rộng hệ thống an sinh xã hội giảm bớt rủi ro trong cuộc sống cho người dân sẽ kích thích tiêu dùng. 2- Nâng cao mức sống cho dân cư nông thôn. 3- Tiếp tục đẩy mạnh giảm nghèo: Tập trung giải quyết thực hiện thành công Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008, của Chính phủ. 4- Đổi mới tư duy, phương pháp hoạch định và thực thi chính sách xóa đói, giảm nghèo. 5- Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở trong triển khai chương trình và chính sách xóa đói, giảm nghèo. 6- Nâng cao chất lượng các chính sách nguồn lực cho xóa đói, giảm nghèo, như các chính sách đất đai, hỗ trợ vốn, lao động - việc làm và an sinh xã hội.
Tăng tỷ lệ hàng hóa đầu tư trong nước trên cơ sở tham gia sâu vào phân công lao động và chuỗi giá trị toàn cầu: 1- Tiếp tục mở rộng quy mô vốn sản xuất của nền kinh tế tương xứng với quy mô nền kinh tế đang mở rộng và đã điều chỉnh tập trung theo chiều sâu trên cơ sở mở rộng đầu tư vào các ngành sản xuất hàng hóa. 2- Khuyến khích các hình thức thuê và chuyển giao tư liệu sản xuất thông qua thu hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hình thức này cho phép giải quyết khó khăn về nguồn tài trợ đầu tư, đồng thời đủ thời gian và điều kiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị. 3- Nhập khẩu hàng hóa đầu tư với những loại mà nền kinh tế chưa đủ khả năng sản xuất vẫn cần thiết nhưng cần lựa chọn kỹ trình độ công nghệ và điều kiện khả năng khai thác sử dụng có hiệu quả.
Cải thiện thâm hụt ngân sách và giảm nợ công, bằng cách: 1- Điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ dự toán và chi tiêu ngân sách để bảo đảm tốc độ tăng chậm hơn tăng trưởng kinh tế, trong đó quan trọng nhất là minh bạch hóa chi tiêu ngân sách; 2- Nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách thông qua thực hiện thành công chương trình cải cách hành chính, qua đó tinh giảm và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước, góp phần quan trọng giảm bội chi ngân sách; 3- Tăng thêm nguồn thu thông qua phân cấp mạnh trong quản lý thu và chi tiêu ngân sách, giảm dần tình trạng bao cấp từ Trung ương để tăng tính chủ động của chính quyền địa phương; 4- Kiên quyết thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và cổ phần hóa; 5- Điều chỉnh hướng đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Cấu trúc lại cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng nâng cao hiệu quả. Thứ nhất, chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng: Chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu bao gồm duy trì phát triển sản xuất nhóm sản phẩm thô xuất khẩu dựa vào lợi thế - đó là những sản phẩm mà Việt Nam có số lượng nhiều gắn với tài nguyên và nguồn lao động rẻ. Tăng nhanh tỷ trọng các sản phẩm chế biến dựa trên cơ sở nguyên liệu sẵn có của đất nước và tỷ lệ thâm dụng vốn, lao động như nhau, gồm sản phẩm công nghiệp chế biến rau quả, lương thực, thực phẩm; sản phẩm gỗ chế biến; sản phẩm dệt may; sản phẩm điện, điện tử, cơ kim khí, hóa chất, xi-măng; Tăng mạnh các loại hàng hóa có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, đòi hỏi nhiều vốn. Đây là ngành hàng mới mang lại giá trị gia tăng cao nhưng hiện tại chúng ta chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thứ hai, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Hàng hóa sản xuất ra phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế chung và từng thị trường đối với từng ngành cụ thể. Để bảo đảm tính hiệu quả trong phát triển xuất khẩu, điều quan trọng hơn là hàng hóa phải đem lại cho người tiêu dùng những công dụng đặc biệt. Thứ ba, mở rộng thị trường xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường truyền thống, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường mới./.
                                Theo http://www.tapchicongsan.org.vn

User Online:35333

Total visited: 6990326