LÃI SUẤT CHO VAY HIỆN ĐÃ LÙI XUỐNG MỨC CỦA NĂM 2005-2006

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

        Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), khẳng định NHNN đang tiếp tục nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất cho vay.
                         NHNN khẳng định đang nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

       Dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%/năm chỉ còn khoảng 17-18% trong tổng dư nợ (tỷ lệ này là 31% vào cuối tháng 6.2013), Cổng điện tử Chính phủ dẫn thông tin từ bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN).
Nguồn tin từ NHNN, nửa cuối năm 2011, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức rất cao, phổ biến khoảng 20-25%/năm. Lãi suất cho vay cao đã đẩy chi phí vay vốn tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
       Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay đã trở về bằng mức lãi suất cho vay của giai đoạn 2005-2006. Theo bà Nguyễn Thị Hồng: Nếu như vào thời điểm trước 15.7.2012, dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm tới 65,8% thì nay chỉ còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ 5,6% vì trong năm 2013, Thống đốc tiếp tục kêu gọi các TCTD giảm lãi suất về dưới mức 13%/năm.
       Theo bà Nguyễn Thị Hồng, nếu so sánh với thời điểm cuối năm 2011 thì mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm hơn một nửa, nghĩa là mức lãi suất hiện nay chỉ bằng chưa đến 50% của mức lãi suất cho vay vào cuối năm 2011.
       Đại diện NHNN cũng khẳng định, đối với dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%/năm, theo các ngân hàng, chủ yếu là các khoản cho vay tiêu dùng, các mặt hàng có khấu hao lớn, vay tín chấp của một số công ty tài chính, các khoản cho vay trong lĩnh vực bất động sản có rủi ro cao; một số khoản vay trung, dài hạn của các doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, có nguy cơ phá sản nên các ngân hàng giữ lãi suất cho vay cao để tạo động lực cho khách hàng trả nợ gốc của các khoản vay, nếu khách hàng trả được nợ gốc, một số TCTD sẵn sàng giảm hoặc miễn lãi cho khách hàng.
       Do đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi các NHTM tiếp tục giảm lãi suất của các khoản cho vay mới và các khoản cho vay cũ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm lãi suất phải thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa TCTD và khách hàng.
       * Trong một diễn biến khác liên quan đến nỗ lực giảm lãi vay, hôm 11-4, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và 8 ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp trên địa bàn, giải ngân tổng số vốn lên đến 8.300 tỷ đồng, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường, hàng hóa.
       Các ngân hàng cho vay là 8 tổ chức tín dụng tham gia chương trình bình ổn thị trường năm nay, gồm Sacombank; Vietinbank – chi nhánh 7; Eximbank; BIDV – chi nhánh Bến Thành; Agribank – chi nhánh Lý Thường Kiệt; Ngân hàng Quân đội, DongA Bank và HDBank, tăng 3 ngân hàng so với chương trình bình ổn năm trước.
       Gói tín dụng này nhằm mục tiêu bình ổn thị trường, hàng hóa, nhất là trong dịp Tết cổ truyền cuối năm nay. Lãi suất cho vay từ 5,5-6%/năm, còn lãi suất cho vay trung, dài hạn là 7-8%/năm, tùy từng doanh nghiệp, các ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất phù hợp.
                                                                Theo Báo Bắc Giang Điện tử

User Online:26921

Total visited: 6929749