KHÔNG THỂ CÓ VÀ KHÔNG BAO GIỜ CÓ QUÂN ĐỘI ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ
Trong bài viết với nhan đề “Không thể có và không bao giờ có Quân đội đứng ngoài chính trị”, Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Bá Dương, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng, đã làm rõ thực chất cũng như sự phi lý của quan điểm đòi “phi chính trị hóa” quân đội, khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội, chính là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của quân đội ta.
1. Thực chất quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội
“Phi chính trị hóa” quân đội là một trong những thủ đoạn nham hiểm, thâm độc của chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá các nước xã hội chủ nghĩa và cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Đây là luận điểm đã có từ lâu nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản hoặc hạn chế sự “can dự”, “tham gia” của quân đội vào việc tranh giành quyền lực chính trị.
Hiện nay, lợi dụng việc góp ý với Đảng, Nhà nước về các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “đổi mới đất nước...” thông qua các “bức thư tâm huyết”, “kiến nghị của công dân”, một số người đã lên tiếng kiến nghị với Đảng rằng “các lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào”, “lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và Nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức chính trị nào, đảng phái nào”; “quân đội và công an chỉ cần tuân theo pháp luật”; “quân đội cần đứng ngoài chính trị”... Theo đó, một số người đã ngạo mạn cho rằng “ở Việt Nam, lực lượng vũ trang không phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”...
Thực chất của những quan điểm nêu trên là nhằm “phi đảng hóa,” “phi chính trị hóa,” tách quân đội ta ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô hiệu hóa vai trò của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang để dễ bề thực hiện những ý đồ đen tối: xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được.
Cần khẳng định ngay rằng, những luận điệu nêu trên là hết sức nguy hiểm, rất phản động, phản khoa học, vì nó trái với pháp lý và hoàn toàn không đúng với đạo lý, nhân cách con người Việt Nam yêu nước, biết quý trọng những giá trị tốt đẹp mà lịch sử văn hóa dân tộc và thành quả cách mạng mà nhân dân ta bằng xương máu của mình mới giành lại được độc lập, tự do, mới có cuộc sống ấm no, hòa bình và hạnh phúc hôm nay.
Sự thật này không thể bác bỏ, chân lý và lẽ phải không thể đổi thay dù ai đó cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật; dù ai đó cố tình nhắm mắt làm ngơ, chối từ lẽ phải.
Hẳn là những người viết “thư tâm huyết”, kiến nghị với Đảng, Nhà nước không lạ gì những luận điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Marx-Lenin.
Khi các nhà kinh điển chỉ rõ cơ sở lý luận khoa học của sự ra đời giai cấp và các lực lượng vũ trang, rằng không thể có và không bao giờ có lực lượng vũ trang hoặc quân đội đứng ngoài chính trị, “phi chính trị”, “phi giai cấp”, “trung lập”, “quân đội chỉ tuân theo pháp luật” thuần túy.
Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng, trong xây dựng quân đội của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, bất kể giai đoạn lịch sử nào thì vấn đề chính trị luôn được đặt lên vị trí cao nhất, chiếm “ngôi đầu”, là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của quân đội ấy, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ chính trị-xã hội và vận mệnh của quốc gia, dân tộc.
Chính trị của quân đội, thực chất là vấn đề bản chất giai cấp của quân đội, nó trả lời cho câu hỏi: Quân đội đó do giai cấp nào tổ chức, nuôi dưỡng, sử dụng và lãnh đạo; nó phục vụ cho giai cấp nào, bảo vệ quyền lợi của ai? Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ấy cho ai, vì ai?
Chúng ta đều biết: Chính trị của quân đội vô sản, lực lượng vũ trang nhân dân là thực hiện chính trị của Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa, phục vụ Đảng, Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; biểu hiện tập trung ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản, đội tiền phong của giai cấp công nhân sáng lập, tổ chức, giáo dục, rèn luyện.
Trong điều kiện một Đảng cầm quyền, quân đội không những chỉ tuân theo hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, mà trước hết phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng.
Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước là điều kiện tiên quyết để quân đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Vì vậy, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là yêu cầu cơ bản, thường xuyên, trọng yếu trong xây dựng quân đội kiểu mới, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Ai đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xem nhẹ, buông lỏng vấn đề xây dựng quân đội về chính trị, tất yếu sẽ dẫn đến kết cục làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, xa rời bản chất giai cấp công nhân, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quân đội ấy sẽ trở nên vô dụng, có hại cho dân, cho nước.
Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã chứng minh điều đó.
Từ những vấn đề trên, cho thấy tính chất phi lý, phản động, phản khoa học của quan điểm “các lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị”, “lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân”, “quân đội chỉ tuân theo pháp luật”, “quân đội không cần sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản...” cần phải bác bỏ.
2.Sự phi lý của quan điểm đòi “phi chính trị hóa” quân đội đã bị thực tiễn bác bỏ
Nghiên cứu lịch sử nhân loại, ai cũng biết rằng, sự xuất hiện của quân đội gắn liền với chính trị, sự ra đời của nhà nước và chiến tranh; không thể có và không bao giờ có quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị.
Về bản chất, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp, nhà nước và đảng phái chính trị, do nhà nước, đảng phái chính trị nuôi dưỡng, sử dụng để tiến hành đấu tranh vũ trang, thực hiện mục đích chính trị của giai cấp, nhà nước đã tổ chức ra và nuôi dưỡng nó.
Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, quân đội là công cụ bạo lực của giai cấp tư sản có nhiệm vụ bảo vệ nhà nước tư sản và lợi ích của giai cấp tư sản.
Hiện nay, các nước tư bản chủ nghĩa thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cuộc đấu đá, tranh giành quyền kiểm soát cơ quan quyền lực nhà nước giữa các đảng phái chính trị tư sản diễn ra hết sức quyết liệt, phức tạp.
Quan điểm: “quân đội chỉ tuân theo pháp luật”, “quân đội phải trung lập đứng ngoài chính trị” được những người đứng đầu các đảng phái chính trị tư sản ra sức tán dương, cổ súy. Thực chất các đảng phái chính trị tư sản muốn quân đội phải đứng ngoài cuộc đấu tranh chính trị tranh giành quyền kiểm soát cơ quan quyền lực nhà nước của các đảng phái chính trị tư sản.
Có thể hiểu rõ hơn nhận định này từ thực tiễn tranh giành quyền lực của Thái Lan hơn 70 năm qua với việc quân đội đã thực hiện 19 lần đảo chính và âm mưu đảo chính.
Ở các nước tư bản phát triển như Anh, Mỹ, Pháp..., quân đội không chỉ được dùng vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc; mà còn được dùng vào việc lật đổ, can thiệp quân sự, xâm lược các quốc gia khác nhằm mục tiêu chính trị là dựng lên ở nơi chúng đến các chính phủ thân phương Tây, có lợi cho phương Tây.
Thực tế chỉ ra rằng, từ năm 1990 đến nay, quân đội Mỹ liên tục can dự vào đời sống chính trị của nhiều nước có độc lập chủ quyền kể cả tiến hành chiến tranh ở Nam Tư, Afghanistan, Iraq, Libya...
Rõ ràng, nhìn vào thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy, quân đội của các nước tư bản không bao giờ “trung lập về chính trị”.
Ở các nước có chế độ đa đảng chính trị thì đảng nào khi cầm quyền cũng đều tìm mọi cách để nắm giữ quân đội và triệt để sử dụng quân đội để bảo vệ lợi ích của mình.
Sự kiện Tổng thống Liên bang Nga B.Yelsin đã dùng quân đội nã pháo vào tòa nhà quốc hội ngày 4/10/1993, nơi đang có những người chống đối B.Yelsin ẩn nấp để giải quyết sự đối đầu và mâu thuẫn giữa ông ta với quốc hội đã nói lên điều đó.
Bài học xương máu rút ra từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là bất luận trong điều kiện hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản cũng không được rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Marx-Lenin; tuyệt đối không được mắc sai lầm trong việc xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội; không được để quân đội bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa.
Thực tiễn không chỉ là cơ sở, nền tảng của nhận thức, mục đích của nhận thức mà còn là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý.
Hẳn là những người cuồng nhiệt đòi “phi chính trị hóa” quân đội ở nước ta không phải là không biết câu chuyện nêu trên. Thực tiễn đã và đang bác bỏ những sai lầm của họ vì nó rất phi lý, nhảm nhí.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của quân đội ta.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; luôn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Dân tộc Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã sản sinh ra Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Đảng Cộng sản Việt Nam là người sáng lập, tổ chức và lãnh đạo quân đội; quân đội phục tùng sự lãnh đạo của Đảng; sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến thắng của quân đội, chân lý này đã được lịch sử cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội ta gần 70 năm qua chứng minh.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khi mới ra đời đã là đội quân mang bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam, gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nhân dân và dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực chất là nhằm đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mục tiêu, lý tưởng ấy cũng là mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ta.
Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam giữ vai trò là lực lượng nòng cốt cùng với toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Đây chính là sự biểu hiện sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội ta, một tổ chức quân sự kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, tổ chức, giáo dục, rèn luyện.
Mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc trong cách mạng Việt Nam được thể hiện rất sâu sắc trong bản chất chính trị-xã hội của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.
Đưa ra luận điểm “quân đội chỉ tuân theo pháp luật”, “quân đội phải trung lập đứng ngoài chính trị”, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; những người đưa ra các quan điểm này cố tình làm cái việc “tách” vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc trong bản chất, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ta.
Đó là quan điểm vừa phản khoa học vừa phi lịch sử; thực chất của quan điểm này nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; tách quân đội, ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, đồng nhất chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam với chính trị của quân đội tư sản.
Không thể tách vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc trong bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, cũng như chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quân đội ta là quân đội của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng quân đội về chính trị, coi đó là gốc, rễ, nền tảng để xây dựng quân đội ta vững mạnh về mọi mặt; nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, bởi lẽ, “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng quân đội về chính trị; lấy xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Nhờ vậy, quân đội ta luôn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và Nhân dân; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”./.
Theo Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương
- Hội Cựu chiến binh Khối Doanh nghiệp tỉnh tổng kết công tác cựu chiến binh năm 2024, triển khai... 05/12/2024
- Kết quả thực hiện Nghị quyết số 109-NQ/TU ngày 08/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ở Đảng bộ Khối... 28/11/2024
- Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới 26/11/2024
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 26/11/2024
User Online:21924
Total visited: 7000281