Đoàn kết trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh người sáng lập rèn luyện Đảng ta; lãnh tụ thiên tài của dân tộc; danh nhân văn hoá thế giới. Cả cuộc đời Người đã chăm lo cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam, chăm lo cho hạnh phúc của tất cả mọi người.
Người đã quên mình mà hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc, cho đất nước, cho nhân dân và cho nhân loại. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng Người đã chăm lo xây dựng sự đoàn kết thống nhất cho toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn quân và đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Đọc Hồ Chí Minh Toàn tập, một điều dễ cho chúng ta nhận thấy rằng: Hầu như tất cả những bài viết, bài nói chuyện của Người với đồng bào, đồng chí, với bạn bè, anh em Bác đều nhắc nhở phải giữ gìn sự đoàn kết, đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là chìa khoá của mọi thành công. Trong diễn văn mừng năm mới 1955, khi nói về vấn đề tranh thủ sự ủng hộ của thế giới cho cách mạng Việt Nam, Bác khẳng định “Bất kỳ người nào, bất kỳ nhóm nào nếu họ tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì chúng ta cũng sẵn sàng thật thà đoàn kết với họ, chúng ta đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn”( HCM Tuyển tậpT2 Tr11). Hay trong thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế, Bác viết: “Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô, các chú thảo luận - Trước hết là phải thật thà đoàn kết, đoàn kết là sức mạnh của chúng ta, đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn giành được nhiều thành tích”. Rồi trong lời kêu gọi ở lễ mừng Quốc khánh 2/9 năm 1955, Bác nhấn mạnh “Đoàn kết là lực lượng vô địch, lực lượng đoàn kết đã giúp cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi, lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ trong cả nước” (Sđd Tr40).
Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10 Bác đã căn dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ thì phải luôn luôn đoàn kết nội bộ, nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan khinh địch, tự mãn”. “Khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí, đấu tranh dành độc lập tự do…thì nhất định họ sẽ thắng lợi…”
Như vậy, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Người coi là vấn đề quan trọng, mang ý nghĩa sống còn để giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đoàn kết thống nhất là nguồn gốc của sức mạnh, là then chốt của mọi thành công. Vì thế suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, Người đã đặc biệt chăm lo xây dựng rèn luyện để Đảng ta trở thành một khối đoàn kết thống nhất. Trước khi từ biệt chúng ta để, về với thế giới vĩnh hằng, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người đã căn dặn: “Trước hết nói về Đảng, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Truyền thống đoàn kết của Đảng có cội nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đối với nước ta, thắng lợi trong đấu tranh giành chính quyền, trong đấu tranh dựng nước, giữ nước và những thành quả bước đầu trong xây dựng CNXH (đặc biệt là những thành tựu của hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước), xét đến cùng đều là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Nói một cách khác, sự đoàn kết thống trong Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam gắn liền với truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, khoan dung độ lượng. Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, truyền thống ấy được phát triển ngày càng phong phú, khắc hoạ ngày càng đậm nét trong văn hoá, bản sắc dân tộc và là bộ phận hợp thành sức mạnh dân tộc. Trong quá trình tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh đã sớm tìm ra nguyên nhân thất bại của các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của các vị tiền bối, chính là đã không phá được âm mưu “Chia để trị” mà thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam và Đông Dương. Bằng âm mưu thâm độc ấy thực dân Pháp muốn phá vỡ truyền thống đoàn kết sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đã tìm ra nguồn động lực, sức mạnh giải phóng cho dân tộc ngay trong lòng mọi người dân Việt Nam. Từ truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc đã tạo thành sức mạnh của các phong trào đấu tranh chống ngoại xâm giành lại nền độc lâp tự do cho Tổ quốc.
Thực tế đã cho ta thấy, bằng sức mạnh đại đoàn kết, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh thắng lợi trong cách mạng giải phóng dân tộc và hiện nay đang lãnh đạo cách mạng Việt Nam từng bước quá độ tiến lên CNXH. Nhiệm vụ trước mắt là thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, lấy việc phát triển kinh tế là trọng tâm đưa đất nước Việt Nam từng bước đi lên. Đoàn kết trong Đảng đã trở thành hạt nhân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế rộng rãi để tạo nên sức mạnh cho cách mạng Việt Nam.
Nhưng thực tế trong Đảng vẫn còn: “Một bộ phận cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém cả về phẩm chất, năng lực, vừa thiếu tính tiên phong gương mẫu, vừa không đủ trình độ hoàn thành nhiệm vụ”(VKĐH X tr6). Điều đó đã làm giảm sút năng lực lãnh đạo và sức chiến đầu của Đảng, ảnh hưởng đến chính sách đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, năm bài học kinh nghiệm đã được ĐH Đảng toàn quốc lần thứ IV Đảng ta rút ra từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đến nay vẫn còn nguyên giá trị; Đó là:
1. Đoàn kết thống nhất trong Đảng phải trên cơ sở chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương chính sách, đúng đắn của Đảng. Mục tiêu lý tưởng của Đảng nhất quán là Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đó là điểm tập trung quy tụ mọi tổ chức Đảng, đảng viên và toàn thể quần chúng nhân dân xung quanh Đảng để thực hiện mục tiêu cao cả đó. Nếu xa rời mục tiêu lý tưởng này thì nội bộ Đảng sẽ bị chia rẽ, sự thống nhất của các tổ chức Đảng từ trung ương cho đến cơ sở, mọi cán bộ đảng viên sẽ mất phương hướng. Cán bộ đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên hết như Bác Hồ đã từng căn dặn: “Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc Đảng ta không có lợi ích gì khác” (HCM T.T10 tr4).
2. Thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây là điều kiện quan trọng đảm bảo cho toàn Đảng luôn thống nhất về tổ chức tư tưởng và hành động. Các tổ chức Đảng thực hiện tốt vấn đề này sẽ quy tụ được trí tuệ của đông đảo đội ngũ cán bộ đảng viên và tập thể cấp uỷ; Đề cao trách nhiệm cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Ở cơ sở sẽ xác định đúng nhiệm vụ chính trị, đề ra nghị quyết và các giải pháp tổ chức thực hiện sẽ được sát đúng thực tế phù hợp với cơ sở. Các nghị quyết sẽ được nhận thức thống nhất, những sai lầm khuyết điểm cũng được phát hiện và sửa chữa kịp thời. Loại trừ từ gốc những mầm mống dẫn tời tình trạng không thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ dân chủ trong Đảng là nền tảng cho sự đoàn kết “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”( HCM. TT, tập 12, tr510) Đảng chỉ mạnh thực sự khi trong Đảng có sự đoàn kết thống nhất cả trong tư tưởng, hành động và tổ chức, không đoàn kết một cách hình thức. Chỉ trên cơ sở đoàn kết thống nhất, dân chủ thì đảng viên mới thực sự trung thực, thẳng thắn, chân thành với nhau giúp nhau nhận rõ khuyết điểm sai lầm để cùng tiến bộ.
3. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quy định về tự phê bình và phê bình trong Đảng. Tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng nâng cao trí tuệ, phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn trong Đảng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi phải có tính Đảng, tính nguyên tắc cao; Phải đảm bảo tự phê bình và phê bình để tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường mỗi quan hệ giữa Đảng và quần chúng, là nội dung thường xuyên của sinh hoạt Đảng. Vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên phải coi đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng cần thiết như cơm ăn, nước uống và không khí thở hàng ngày không được lơ là chểnh mảng. Nếu không thực hiện tốt điều này sẽ dễ dẫn đến mất đoàn kết trong Đảng; Nhưng đồng thời phải kịp thời ngăn chặn các biểu hiện lợi dụng dân chủ, lợi dụng phê bình gây chia rẽ mất đoàn kết.
4. Thường xuyên giáo dục và bồi dưỡng tình thương yêu đồng chí giữa cán bộ đảng viên. Cách mạng đòi hỏi đội ngũ cán bộ đảng viên phải gắn bó chặt chẽ với nhau không chỉ bằng tổ chức mà còn gắn bó với nhau bằng tình thương và lòng nhân ái của những người cùng chung chí hướng, cùng chung lý tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Tình thương và lòng nhân ái là sự thống nhất giữa lý trí, tình cảm và tinh thần. Không có lý trí thì không thể xây dựng được một Đảng cách mạng chân chính; Nhưng không có tình cảm cách mạng, tình đồng chí, tình thương yêu giữa con người với nhau, thì đoàn kết trong Đảng chỉ là hình thức. Đối với tổ chức cơ sở Đảng sự hiểu biết cặn kẽ về công tác, về điều kiện sinh hoạt và hoàn cảnh của nhau… là những yếu tố góp phần quan trọng xây dựng nên khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Vì vậy, phải thường xuyên quan tâm giáo dục và bồi dưỡng tình thân ái đồng chí và sự cảm thông sâu sắc giữa đội ngũ cán bộ đảng viên với nhau.
5. Tập thể cấp uỷ, các đồng chí trong ban thường vụ nhất là đồng chí bí thư phải thực sự là trung tâm đoàn kết. Từ trung tâm đoàn kết đó mới quy tụ được đội ngũ cán bộ, đảng viên, mọi thành viên trong hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Từ thực tiễn 88 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta càng nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của vấn đề đoàn kết, thống nhất. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, khi thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn luôn đan xen, với nhiều tình huống diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đòi hỏi Đảng càng phải có quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ mới vượt qua được. Các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng khó khăn, khuyết điểm để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Chúng dùng mọi thủ đoạn thâm độc để mua chuộc, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng và khối đại đoàn kết dân tộc,... Hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng càng phải được thể hiện rõ. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng cần tiếp tục được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, trở thành nguồn sức mạnh to lớn trong sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần vào thực hiện thành công điều mong muốn cuối cùng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.
Ngô Duy Hạnh
- Hội Cựu chiến binh Khối Doanh nghiệp tỉnh Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm... 06/12/2024
- Hội Cựu chiến binh Khối Doanh nghiệp tỉnh tổng kết công tác cựu chiến binh năm 2024, triển khai... 05/12/2024
- Kết quả thực hiện Nghị quyết số 109-NQ/TU ngày 08/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ở Đảng bộ Khối... 28/11/2024
- Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới 26/11/2024
User Online:40348
Total visited: 8658813